Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Từ e-card tới... “bom thư” quảng cáo

Từ e-card tới... "bom thư" quảng cáo

Cách nay khoảng mười năm, làm một cuốn catalogue đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị thông tin, hình ảnh để nhờ các nhà thiết kế (designer) thiết kế, chuyển cho nhà in làm thành sách rồi đem tặng cho khách hàng. Bây giờ cũng có thể làm như thế, nhưng chỉ có điều là không còn hợp thời... Tiếp thị, quảng bá tên tuổi, hình ảnh sản phẩm phải "số hóa" mới đúng điệu!

E-card: Khúc dạo đầu

Gọi e-card là khúc dạo đầu có vẻ không chính xác vì Website giới thiệu thông tin và sản phẩm ra đời trước, nhưng xin phép cho chú bé "nho nhỏ, xinh xinh" như namecard được vượt lên dẫn đầu.

E-card nhìn mỏng mảnh như danh thiếp, vốn là một mini CD bị "chặt" bớt các cạnh, có dung lượng khoảng 40 - 50MB. Việc sử dụng e-card ở xứ ta rộ lên sau khi giám đốc một số doanh nghiệp Việt Nam đi nước ngoài, được người ta trao tặng e-card, thấy tiện lợi nên lúc về bèn tìm nơi đặt làm. Giá đĩa trắng làm e-card dao động trong khoảng từ 1 - 10 USD, nếu tính cả công thiết kế và dập đĩa thì chi phí làm 1.000 e-card khoảng 2.000 – 8.000USD (giảm giá nếu làm nhiều).

Bên cạnh các lợi ích không cần bàn, e-card cũng có những điều đáng quan tâm.

- Thứ nhất là về hình thức. Để có một e-card đẹp thì phải dùng công nghệ dập đĩa từ một bản kẽm, song cách này chỉ có thể thực hiện nếu số lượng lớn (trên 1.000 CD). Cách thứ hai là mua CD trắng dạng namecard rồi dùng đầu ghi trên PC chép nội dung vào từng cái, sau đó sử dụng máy dập mini "nện" từ 5 tới 10 CD một lần, cách này cũng hay nhưng tới khâu "trang điểm" cho mặt CD thì đa số đem đi kéo lụa. Sang hơn có thể in offset, kém hơn thì in trên đề can rồi dán vào... mặt CD.

- Thứ hai là về nội dung. Để dễ xem xét, xin xếp loại theo công nghệ. Thông thường, nếu chăm chút kỹ, người ta dùng công nghệ FLASH Animation để làm nội dung cho e-card. Macromedia Flash là một phần mềm làm hình ảnh động dạng vector được nhiều người ưa chuộng do tương tác và khả năng thể hiện multimedia rất hay, làm hài lòng hầu hết khách hàng "khó tính", vì các slideshow trình diễn bằng flash kết hợp với phần âm thanh chuyên nghiệp có sức hấp dẫn cao. Còn một công nghệ khác có thể sử dụng khi thiết kế nội dung cho e-card là HTML. Thiết kế một Website tĩnh chứa các thông tin cần thiết, sau đó, nếu cẩn thận thì dùng một công cụ phần mềm tạo file thực thi nào đó (như WebToExe hay HTML Complier) ghi vào CD. Muốn nhanh, gọn, lẹ thì để nguyên nội dung vào namecard, sau đó tạo file autorun.inf là xong...

Cũng có một số e-card chứa chương trình giới thiệu doanh nghiệp. Và lỗi thường gặp trên những e-card loại này là... chính tả, cộng với tính mỹ thuật, cách dùng màu sắc, hình ảnh, trình bày Web tĩnh,... thiếu chu đáo khiến cho "lợi bất cập hại".

E-catalogue: Bản hợp tấu

Doanh nghiệp làm catalogue để thông qua đó quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Làm e-catalogue nhằm tạo ấn tượng mạnh hơn trong quảng bá. E-catalogue thường có hai dạng: Website (tĩnh hoặc động) và một chương trình (software) với nhiều tính năng đặc biệt. Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đặt thiết kế riêng phần mềm để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình. Phần mềm giới thiệu thường là các mô hình sản phẩm được vẽ bằng kỹ thuật 3D song chi phí cao. Hầu hết đều hợp tấu bài ca Website trong quảng bá qua e-catalogue.

Có lần, người viết bài này nhận được đơn đặt hàng khá đặc biệt từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Phú Nhuận TPHCM. Theo đó, chương trình phải dễ xem, dễ in ra giấy nhưng phải có mật khẩu bảo vệ để không phải ai cũng có thể xem. Lúc đầu người viết khá ngạc nhiên, nhưng khi hiểu ra vấn đề thì rõ ràng đó là một sáng kiến: Mẫu mã của mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là yếu tố đặc biệt quan trọng. Khách hàng thường yêu cầu được tham khảo trước kích thước, màu sắc, hoa văn... Do vậy, càng chi tiết, càng dễ xem thì khả năng thuyết phục họ quyết định đặt hàng càng lớn. Tuy nhiên nếu không bảo mật tốt thì chẳng khác gì "đưa đạn" cho các đối thủ cạnh tranh cùng... bắn. Yêu cầu bảo mật cho ecatalogue chỉ bị loại trừ sau khi sản phẩm đã được tung ra thị trường.

Do một số doanh nghiệp xem việc thiết kế Website giới thiệu sản phẩm của mình như "mốt" nhưng quên lên kế hoạch cho việc quảng bá Website ấy nên đã tạo... đất dụng võ cho một loại hình e-catalogue khác. Đó là Website danh bạ Website, các trang vàng, trang trắng ( www.vn84.com , www.vndir.com , www.ypvn.com , www.danhbawebsite.com )... Thế nhưng hiệu quả của việc quảng bá Website trên Website dường như không lớn lắm. Người viết có một kỷ niệm đáng nhớ. Khi thiết kế Website cho doanh nghiệp S, chúng tôi làm việc trực tiếp với trợ lý. Tới lúc hoàn tất thì đích thân tổng giám đốc đứng ra nghiệm thu và vị này nêu thêm hàng loạt yêu cầu mang tính chất cá nhân. Cuối cùng, trợ lý đành năn nỉ bên thiết kế... làm lại, dù rằng các yêu cầu của vị tổng giám đốc này thuộc loại "trời ơi, đất hỡi". Biết làm sao được khi khách hàng là thượng đế mà vị tổng giám đốc kia là sếp của "thượng đế"? Tình trạng này không phải là cá biệt nên lúc nhận thiết kế Website hoặc làm e-catalogue, chúng tôi hay nói đùa: "Ai không am hiểu kỹ thuật thì không được tham gia các khía cạnh kỹ thuật, trừ... giám đốc".

Bom thư: Hành khúc ngày và đêm

Sau khi đã có e-card, Website giới thiệu sản phẩm – dịch vụ, tham gia vào các danh bạ Website... mà vẫn chưa có nhiều người biết tới mình, thiên hạ "chơi" một biến tấu khác của ecatalogue: Gửi e-mail cho khách hàng. Lúc đầu, người ta gửi e-mail cho những địa chỉ có sẵn trong address book (sổ địa chỉ) để thông tin về sản phẩm, dịch vụ của họ. Nhưng do số lượng địa chỉ e-mail có sẵn chỉ có hạn, không đạt hiệu quả mong đợi, hai dịch vụ "ăn theo" xuất hiện: quảng cáo qua e-mail và "chôm chĩa" địa chỉ e-mail để "gạ gẫm" người khác mua lại.

Người dùng Internet tất nhiên là hết sức khó chịu với những lá thư điện tử không mời mà xộc tới này nên tìm nhiều cách ngăn chặn. Để vượt qua sự ngăn chặn đó, "những kẻ đánh bom ... thư liều chết" sử dụng một chương trình điền ngẫu nhiên các thông tin về người gửi, máy chủ gửi, thời gian gửi... Vậy là những PC sử dụng chương trình này trở thành máy đánh bom thư!

SMS và MS Messengers: Giai điệu "khủng bố"

Gần đây, một số doanh nghiệp tìm cách tiếp cận với khách hàng qua tin nhắn vào điện thoại di động (ĐTDĐ). Quảng cáo bằng tin nhắn ngắn SMS qua ĐTDĐ hiện chưa phổ biến lắm ở nước ta, nhưng đã là một "vấn nạn" của thế giới. Tuy nhiên dân lập trình máy tính – thường online 24/24 thì đang lãnh đủ chuyện nhận quảng cáo qua MS Messengers. Không có gì khó chịu hơn chuyện đang sử dụng máy tính thì một thông báo hiện ra, và leo lên trên các ứng dụng khác rồi nằm chễm chệ ở đó.

Bản thân việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình hoàn toàn không xấu, thậm chí là hết sức cần thiết. Và việc ứng dụng các thành tựu về CNTT để tiết giảm chi phí, nâng cao tính hiệu quả của việc quảng bá là điều đáng làm, song mong rằng không ai làm e-card, e-catalogue theo kiểu cho có với đời, thiên hạ có thì mình cũng có. Bởi như thế vừa không đạt tính mục đích, vừa lãng phí. Cũng mong rằng việc chuyển tải những thông tin có tính quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ sẽ lịch sự hơn để người nhận không "đổ quạu" đâm ra ghét luôn sản phẩm vì bị quấy rầy quá đáng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét